Nếu bạn đang ở tình trạng “bất lực” khi làm ra mẻ bánh nhìn bên ngoài rõ là ngon, là xịn mà sao vào ảnh trông cứ “kiểu gì ấy” thì hãy đọc thật kĩ bài viết này nha. Chúng mình sẽ bật mí ngay cách chụp ảnh đồ ăn đẹp bằng điện thoại.
“Bộ bí kíp” cách chụp ảnh đồ ăn đẹp bằng điện thoại tại nhà
“Bộ bí kíp” cách chụp ảnh đồ ăn đẹp bằng điện thoại tại nhà là nội dung mà team SD ấp ủ cũng lâu rồi. Vì hàng ngày nhận bao nhiêu là ảnh bánh của học viên gửi, bánh thì ngon chuẩn ngất ngây, mà nhiều khi do mọi người chụp ảnh chưa tối ưu, nên làm giảm độ ngon của cái bánh đi nhiều phần ấy.
Mà thực ra thì không có gì cao siêu cả, chỉ cần lấy nét đúng, sắp xếp bố cục cân đối, dùng phông nền phù hợp, ánh sáng đầy đủ là ảnh đã đẹp lắm rồi.
Đặc biệt là với những bạn kinh doanh bánh online, nếu chưa có điều kiện đầu tư máy móc, ekip xịn thì cũng đừng lo, bạn cứ tập trung làm bánh thật ngon và đẹp thôi, còn đâu một chiếc điện thoại và những bí kíp của tụi mình là đủ để giúp bạn có ngay những bức ảnh “nhìn là muốn ăn” rồi
6 điểm cần lưu ý để có thể chụp ảnh đồ ăn đẹp bằng điện thoại
Ánh sáng: Chọn nguồn sáng đủ, phù hợp đã góp 60% vào một bức ảnh đẹp rồi.
Yếu tố quan trọng nhất cần chú ý khi chụp ảnh là ánh sáng. Chỉ cần có đủ ánh sáng thôi là bức ảnh đã thành công 60% rồi.
Để chụp ảnh đồ ăn đẹp bằng điện thoại thì ánh sáng tự nhiên có thể coi là lý tưởng nhất. Bạn có thể sắp xếp để chụp trong sân vườn hoặc kê bàn lại sát gần cửa sổ để tận dụng nguồn sáng này (cửa sổ vốn là “linh hồn” trong các bức ảnh của SD từ trước đến nay)
Nếu nắng gắt và chói thì mình sẽ sử dụng một tấm rèm mỏng để làm ánh sáng mềm mại hơn. Bạn có thể tận dụng những tấm vải voan để căng lên cửa sổ nhé. Ánh sáng sẽ còn “có hồn” hơn nữa nếu bạn chụp qua 1 tán lá cây, hay một khung cửa sổ.
Bật mí là vào những ngày mùa hè, có một khoảng thời gian hoàng hôn gọi là “giờ vàng – golden hour” (khoảng 4 – 6 giờ chiều), ánh nắng hoàng hôn mềm mại chiếu vào rất đẹp và “thơ”, chuẩn kiểu Hàn Quốc nhé.
Những nguồn sáng nên tránh:
– Tránh ánh sáng đều 4 hướng, sẽ không tạo được “khối” cho món ăn, một bức ảnh quá đều màu cũng sẽ thiếu đi cảm xúc.
– Tránh ánh sáng chiếu thẳng từ trên xuống như ánh sáng buổi trưa, ánh sáng chiếu từ cửa sổ trời xuống.
– Tránh sử dụng nhiều nguồn sáng khác nhau cùng 1 lúc (VD: vừa dùng đèn sợi đốt, vừa đèn neon, vừa ánh sáng tự nhiên)
Hắt sáng:
Không nên dùng ánh sáng đều 4 hướng, nhưng cũng không được để ánh sáng quá lệch nhau (VD: Nếu chụp ảnh cạnh cửa sổ vào một ngày nắng to, thì phần bánh được ánh sáng chiếu tới sẽ rất sáng, trong khi phía còn lại không có ánh sáng sẽ tối đen)
-> Việc cần làm là “hắt” một phần ánh sáng chính để làm sáng các phần tối này.
Bạn nên sử dụng bất kì vật gì màu trắng (tụi mình dùng 1 cái hộp trắng, bạn có thể dán giấy trắng lên 1 cái hộp/miếng bìa gì đó) để hắt sáng lại. Như vậy phần mặt còn lại sẽ không bị quá tối
Bố cục: Chủ thể cần nằm giữa, mọi góc đều cân đối, không có chỗ nào trống quá hay nhiều đồ quá.
- Bố cục là một cách hướng người xem tập trung vào những yếu tố quan trọng nhất trong bức ảnh đồ ăn của bạn. Bố cục tốt sẽ cho ra một bức ảnh đồ ăn đẹp và ngược lại, bố cục xấu sẽ làm bức ảnh kém hấp dẫn đi rất nhiều dù món ăn có ngon tới đâu.
- Về cơ bản là mình sẽ chia khung hình thành từng mảng, nhiệm vụ là “xếp đồ” vào những mảng này, sao cho không có chỗ nào quá trống hay quá dày đặc, và không làm khung hình bị chật chội.
- Quan trọng nhất, phải xác định rõ đâu là chủ thể. Như bạn xem trên ảnh, việc xếp bánh lệch sang 1 bên, để 1 góc trống quá nhiều trong khi góc khác lại quá nhiều đồ, nhìn ảnh sẽ mất cân bằng.
- Bí kíp nhỏ là nếu xếp mãi vẫn chưa thấy đẹp, thì hãy thử xoay dọc điện thoại xem
Góc chụp: Từ trên xuống (flatlay); góc 30 và 45 độ là góc chụp cơ bản và dễ đẹp nhất
Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới việc món ăn nhìn ngon hơn hoặc kém hấp dẫn hơn là góc của máy.
- Góc 30, 45 độ là góc chụp thông dụng, gần gũi vì nó khá tương đồng với góc nhìn của mọi người khi ăn. Bạn nên lựa chọn góc chụp này khi muốn chụp cận cảnh và muốn món ăn nhìn dày dặn hơn. Chẳng hạn như khi chụp bánh Trung thu Đài Loan chẳng hạn, bạn muốn lột tả hết sự hấp dẫn của phần nhân đầy đặn bên trong thì góc chụp này là phù hợp.
- Còn với các mẫu cao hơn như các loại bánh gato nhiều lớp, một chồng bánh quy, hoặc các loại sandwich có kẹp nhiều thứ bên trong… thì góc chụp ngang (máy và mẫu nằm trên một đường thắng) cho đến hơi chếch một chút (khoảng 10-20 độ) có lẽ sẽ là phù hợp hơn nhiều so với chụp trực diện từ trên xuống (còn gọi là flat lay – tụi mình sẽ chia sẻ về góc chụp “quốc dân” này ở ngay ảnh sau).
- Một lưu ý quan trọng là cạnh của điện thoại phải SONG SONG với mặt bàn để ảnh không bị nghiêng.
- Flatlay là cách sắp xếp món ăn trên một mặt phẳng, sau đó chụp chính diện vuông góc với mặt phẳng đó. Thông thường một bức ảnh flatlay sẽ bao gồm một món ăn chính và các đồ vật trang trí phụ được sắp xếp với nhiều vị trí nhằm tạo ra tổng thể hài hoà về bố cục và màu sắc.
- Đây được coi là góc chụp “quốc dân” vì các thành phần trong ảnh được thể hiện rõ ràng, bạn dễ đưa ra các quyết định thêm bớt đồ trang trí trong ảnh hơn khi cảm thấy quá rối.
- Điều quan trọng nhất cần lưu ý khi chụp flat lay là phải để điện thoại song song với mặt bàn. Điều quan trọng thứ nhì là phải sắp xếp sao cho các thành phần trong ảnh được cân đối và làm nổi bật món ăn. Hãy xem ảnh tiếp theo để biết thêm bí quyết của tụi mình nha.
Phông nền: Phải làm bánh nổi bật hơn (chứ đừng “nuốt” mất cái bánh).
Đạo cụ trang trí thì cực đa dạng và phong phú, phân loại chắc là rất khó, mình tạm chia thành mấy nhóm chính mà mọi người hay sử dụng là:
- Các loại phông nền và khăn lót
- Bát đĩa, cốc chén, thìa, đũa, dao, nĩa…
- Đạo cụ khác: hoa quả, cành lá, sỏi đá, đất cát, tranh ảnh, búp bê, nồi đất, mẹt tre, sỏi đá…
Sử dụng các loại đạo cụ như thế nào cho ảnh đẹp thì rất khó để có một quy tắc hay chuẩn mực chung, vì nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như loại đồ ăn, ý đồ và sở thích, thẩm mỹ của người chụp ảnh nữa. Tuy nhiên có một số điểm mà theo mình khi chụp ảnh đồ ăn nên chú ý hơn một chút. Cụ thể:
Họa tiết và màu sắc của nền có hài hòa không?
Việc sử dụng nền có màu sắc và họa tiết thế nào phụ thuộc rất nhiều vào bản thân mắt nhìn của người chụp, nhưng với riêng mình thì mình chỉ dùng phông nền trơn (hoặc rất rất ít họa tiết), màu sắc trung tính.
- Tránh sử dụng các phông nền có màu sắc sặc sỡ hay quá nhiều chi tiết, nếu không sẽ rất rối ảnh và làm “chìm” chủ thể chính. Một cái khăn trải bàn hoa có thể sẽ rất phù hợp với căn bếp của bạn, nhưng chưa chắc đã làm cho bức ảnh đồ ăn của bạn đẹp hơn. Vì vậy khi chọn phông nền hãy xem màu sắc, hoạ tiết có giúp “tôn” đồ ăn lên không (hình trên) hay sẽ làm chìm đồ ăn xuống, hay tệ hơn nữa là làm rối hình (hình dưới)
- Phông nền bạn có thể dùng một tấm vải trơn, bàn gỗ, tấm nền bán sẵn. Với nền gỗ thì nên chọn màu gỗ tối (nhưng không quá đậm), hoặc sơn trắng/sáng.
Đồ trang trí (Props/decor): Giúp ảnh sống động và có nhiều cảm xúc hơn. Tuy nhiên hãy chọn những đồ có – liên – quan đến cái bánh.
Khi chọn đạo cụ cho bức ảnh đồ ăn, hãy dành ra một vài phút ngắm nghía và thử nhận xét khách quan xem các loại props này có phù hợp với đồ ăn không? Có đồ vật nào không liên quan hoặc thậm chí oánh nhau với một đồ vật khác hay “nhân vật chính của bức ảnh” – món ăn của bạn hay không?
- Chẳng hạn như trong ảnh, “đạo cụ” là mỳ pasta sẽ phù hợp khi chụp các món mỳ của Ý chứ không phải trong một bức hình bánh Trung thu Đài Loan như minh họa.
- Nên cân nhắc về số lượng, kích thước và màu sắc của đạo cụ sử dụng trong hình. Sử dụng quá nhiều đạo cụ, hoặc màu sắc quá nổi/ kích cỡ to quá sẽ dễ làm hình trở nên rối mắt và chủ thể chính (tức đồ ăn) không còn là “chính” nữa. Như quả lựu đỏ trong hình chính là “vai phụ” đang cố chen chân lên làm “vai chính”.
- Một tips nhỏ của tụi mình là không nên chụp chung đồ ăn sống với đồ ăn chín (VD: Mình sẽ không dùng trứng để làm đồ trang trí cho món bánh, hoặc không bày một miếng thịt sống chung với một đĩa mỳ mặc dù nó có liên quan đến nhau).
Đọc đến đây thì bạn sẽ thấy, bức ảnh minh họa trông thì cũng hợp mắt đấy, nhưng lại không hợp lý tí nào.
Lấy nét: Hãy lấy nét vào đúng cái bánh (chứ ĐỪNG lấy nét sai vào cái đĩa, vào bông hoa đằng sau, hay vào bàn tay cầm bánh).
Điện thoại có chế độ tự lấy nét. Tuy nhiên, chế độ này nhiều khi cũng “nhầm lẫn” (đặc biệt là nếu chụp cận). Ví dụ như bạn cầm miếng bánh để sát vào ống kính, điện thoại rất có thể sẽ lấy nét vào… ngón tay bạn thay vì cái bánh, hậu quả là miếng bánh sẽ mờ tịt còn tay bạn thì nét căng.
- Ngoài ra, nếu chúng ta chủ động lấy nét, điện thoại sẽ tự làm sáng phần chủ thể và làm tối những phần xung quanh, giúp chủ thể nổi bật hơn.
- Thao tác lấy nét rất đơn giản, bạn chỉ cần chạm tay vào phần bánh mà bạn muốn điện thoại lấy nét thôi.
- Trong hình minh họa, nếu mình không chạm tay vào phần bánh ở trước, rất có thể điện thoại vào một giây phút ngáo ngơ nào đó nó sẽ lấy nét vào đĩa bánh dùng để làm nền phía sau.
Xem thêm:
Hy vọng bạn sẽ có được những tấm ảnh chụp đồ ăn siêu xinh sau khi tham khảo những bật mí về cách chụp ảnh đồ ăn đẹp bằng điện thoại phía trên nhé.
Theo: Savoury days.